Nguồn gốc của từ “Mặc cả”
Blog người hiếu cổ - Trong giao dịch, bao giờ cũng có khâu mặc cả. Chúng ta giờ ai cũng hiểu rằng “mặc cả” tức là sự thuyết phục của người mua đối với bán để điều chỉnh giá thành sao cho hợp lý. Các chị em đi chợ không ai là không mặc cả, người bán cũng vì thế mà phải dùng lý luận để tránh bị bán lãi ít, thế nên mới gọi là “chao chát”. Xưa nay ai cũng nói gái đi chợ phải biết chao chát cũng là ý này, chứ tuyệt nhiên không dùng từ “chao chát” để ám chỉ sự đanh đá chua ngoa. Vì tính võ đoán của ngôn ngữ nên ai cũng hiểu nghĩa của “mặc cả”, thế nhưng nguồn gốc của nó thì chắc không phải ai cũng hiểu rõ ràng.
“Mặc cả” là từ mượn từ âm tiếng Quảng Đông Trung Quốc, chính là từ 摸價.
Theo “Khang Hy tự điển” thì hai chữ trên sẽ được đọc thành “mạc giá”. Phiên âm La-tinh của âm Quảng Đông là “mok3 gaa3” (đọc là “moọc kả”).
Mạc: Chạm tay vào để dò xét.
Giá: Giá thành, giá trị.
Mạc giá: Chạm tay vào để dò xét giá.
->Nghĩa của từ “mặc cả” (mạc giá) chính là cách thức thực hiện hành động.
Hai người đàn ông Trung Quốc đang mặc cả khi bán dê |
Như ảnh trên, hai người đàn ông đang mặc cả tiền bán dê, họ không nói gì cả, mà chỉ chạm tay vào nhau. Chạm tay chính là mật mã để thương thuyết về giá cả. Chạm tay và họ dùng ngón tay để chỉ vào các đốt ngón tay để tượng trưng cho giá mà người đó đưa ra. Vì thế, hình thức này khác xa với việc chị em nước ta đi chợ mặc cả bằng miệng.
Chính vì hình thức của việc mặc cả bằng việc chạm tay làm hiệu, nên dân gian Trung Quốc còn gọi hình thức mặc cả là "niết mã" (mật mã khi chạm tay vào nhau). Về "niết mà", có thể thấy trong một số sách đề cập tới như cuốn tiểu thuyết trường thiên "Sáng nghiệp sử" của Liễu Thanh 柳青, hoặc cuốn tiểu thuyết "Tam lí loan" của Triệu Thụ Lý 赵树理 có viết một đoạn:
"这时候,给 丁未 的驴当卖主的是个十五六岁的孩子, 李林虎 正和他对着袖口捏码,小孩摇着头说:‘不卖!不卖!" (Khi ấy, có đứa trẻ mười lăm mười sáu tuổi đưa cho Đinh Mùi con lừa để bán, Lý Lâm Hổ đang đưa tay vào ống tay áo của hắn ra hiệu "niết mã" (mặc cả). Đứa bé lắc lắc đầu nói "Không bán đâu, không bán đâu".)
Dân gian Trung Quốc gọi mặc cả là "niết mã" |
Như vậy, vốn dĩ mặc cả người ta không dùng lời để thương thuyết, mà chính là dùng kí hiệu để thương thuyết. hình ảnh chị em phụ nữ ra chợ mua hàng rồi cãi nhau thực ra cũng là một dạng thương thuyết giá cả, nhưng chúng ta cần phân biệt rõ, nó không phải là mặc cả. Tuy nhiên, ngày nay ngôn ngữ biến đổi, nhiều từ đã biến đổi chức năng và ý nghĩa trong ngôn ngữ nên việc chúng ta hiểu từ mặc cả như ngày nay cũng là chuyện bình thường. Vì vậy, tôi viết mấy dòng trên để hiểu rõ hơn nguồn gốc của nó.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét