Thư pháp vua Túc Tông thời đại Triều Tiên (Choson)

Blog người hiếu cổ - Truyền thống và lịch sử thư pháp Hàn Quốc rất lâu đời. Theo những ghi chép còn để lại thì thư pháp tại nước này đã xuất hiện từ thời sơ kỳ Tam Quốc. Người ta giải thích rằng, vào thời kỳ đó, tại các thư viện và các trường học của quốc gia đã đưa vào giảng dạy văn học Trung Quốc. Đồng thời, tầng lớp quý tộc cũng rất sùng chuộng việc viết chữ Hán sao cho đẹp, và luôn luôn rèn luyện không ngừng. Thư pháp chính lúc đấy cũng đã được tôn trọng như một môn nghệ thuật thực thụ. Tuy nhiên, trải qua thời gian và chịu ảnh hưởng của nhiều cuộc xâm lược từ nước ngoài, đa phần các thư tịch ghi chép đã mất mát, còn lại rất ít. Đặc biệt vào cuối thế kỷ 16, quân đội Nhật Bản đã liên tục gây chiến tranh, lại thực hiện chính sách tiêu hủy nghiêm ngặt tất cả số thư tịch và thác bản văn bia trên lãng thổ bán đảo Hàn, vì thế, theo thống kê thì các tác phẩm thư pháp từ khi có chiến tranh trở về trước chỉ còn khoảng 20 bộ mà thôi. 

.
Tuy nhiên, sau đó từ thế kỷ 17 trở đi, thư pháp vẫn tiếp tục phát triển và gìn giữ tốt, điển hình là văn bia và các tác phẩm thư pháp thời đấy rất hoa mĩ, chữ nghĩa ngay ngắn chau chuốt, không kém là mấy so với nền thư pháp dày dặn của Trung Quốc. Nổi tiếng về thư pháp của vương quốc Triều Tiên có thể kể đến Hàn Lô 韩沪 (1543-1605), ông rất nổi tiếng với phong cách học tập từ Vương Hy Chi đời Tấn;  rồi đến thế kỷ 19 có Kim Chính Hỷ 金正喜 (1786-1856), vừa là nhà nghiên cứu kim thạch học, lại vừa là thư pháp gia vĩ đại.v.v... Ngoài ra, như trên đã nói, bộ phận quý tộc Triều Tiên rất chuộng thư pháp, nên có không ít tác phẩm thư pháp ngự bút có giá trị cao. Blog người hiếu cổ xin giới thiệu qua một số tác phẩm thư pháp ở thể hành thảo của vua Túc Tông (1661-1720) để có sự hình dung sơ lược nhất về việc rèn luyện thư pháp của các vị vương tôn quý tộc nước này.
Tham khảo thông tin vua Túc Tông thời đại Triều Tiên:
Triều Tiên Túc Tông (sinh năm 1661 – trị vì trong khoảng 1674-1720) là vị vua thứ 19 của nhà Triều Tiên. Ông tên húy là Lý Đôn (이순 李焞 Lee Sun), sinh ngày 15 tháng 8 năm 1661 tại Xương Đức cung. Túc Tông là con trai vua Triều Tiên Hiển Tông và Vương hậu Minh Thánh. Ông trở thành Thế Tử năm 1667 khi mới 7 tuổi, và lên ngôi vua năm 1674 khi được 14 tuổi. Nhà vua là một nhà chính trị tài giỏi, nhưng triều đại của ông không phải lúc nào cũng yên bình. Ông kết thúc các tranh cãi chính trị giữa phái Tây Nhân của Tống Thời Liệt và phái Nam Nhân của Kim Tích Trụ (金錫冑Kim Seok-ju) (chú của Vương hậu Minh Thánh) đã có từ thời vua Hiển Tông.
Túc Tông ngự bút "Nhật mộ trường giang lý"
Túc Tông ngự bút "Tây hành nhất thiên lý"
Túc Tông ngự bút "Văn đạo hoàng hoa mậu"
Túc Tông ngự bút "Mã thượng phùng hàn thực"
Như chúng ta thấy, các tác phẩm hành thảo của nhà vua đều rất thuần thục về mặt kỹ pháp. Tôi cũng đã xem nhiều tác phẩm của Túc Tông, và nhận thấy ông rất thành công ở thể hành thảo, hòa quyện giữa sự hoa mĩ của hành thư và sự phóng khoang trong chừng mực của thảo thư. Hành thảo của Túc Tông không cuồng loạn như của Hoài Tố, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy được rằng ông học tập được nhiều từ bút pháp đó, đôi lúc ngắm lại ra chút ý ví của Đổng Kỳ Xương... Nét bút đi rắn rỏi mãnh mẽ mà phóng khoáng không câu nệ, thảo phù không đi lệch tiêu chuẩn nhưng vẫn thấy nhiều sự sáng tạo. Nhìn chung, qua từng nét bút ta thấy được công phu rất cao của nhà vua trong việc lâm tập các thư thiếp cổ và ứng dụng tạo ra phong cách cho riêng mình.
.
Ngày nay, các tổng thống Hàn Quốc cũng rất sùng chuộng môn nghệ thuật này. Như hình dưới đây, ta thấy tổng thống Lee Muyng Bak mặc Hanbok kính cẩn viết bức hoành phi chữ lệ "Lâm sự nhi cụ", từng đường nét cho thấy công lực không thể coi thường, không phải chỉ học sơ qua mà được, mà chắc chắn cơ bản công phu của ông rất cao. Một vị tổng thống, luyện thư pháp, viết lời răn của thánh hiền làm phương châm trong việc nước, quả thực là một điều đáng ngưỡng mộ vào thời đại ngày nay.
.
Ảnh này do Trần Quang Đức cung cấp

Chú thích ảnh:
- Bức chữ Lệ "Lim sa i ku" ("Lâm sự nhi cụ" lời của Khổng Tử trong Luận Ngữ, ý rằng xử lý mọi việc phải hết sức thận trọng) được Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak viết vào tết Nguyên Đán năm Nhâm Thìn 2012 (Lạc khoản: Nhâm Thìn Nguyên Đán, Đại thống lĩnh Lý Minh Bác) .

- Bức chữ Hành "Kính thiên ái nhân" là bút tích của cố tổng thống Kim Dae Jung

0 nhận xét :

Đăng nhận xét