Một số phương pháp nghiên cứu "Kinh Dịch"
Kinh dịch |
Kinh Dịch là tên gọi chỉ Chu Dịch[1], một bộ kinh điển nổi tiếng của Trung Quốc, và còn là tài sản tri thức quý báu của toàn nhân loại. Từ xưa đến này, đã có rất nhiều người nghiên cứu về Kinh Dịch, và cứ thế, qua thời gian, Kinh Dịch không những không mất đi sức thu hút, mà ngày càng được các học giả quan tâm hơn. Nó được quan tâm nhiều hơn một phần là do nó mang tính chất huyền bí, một phần khác là lời ý trong đó qua ư sâu xa súc tích, một người không tài nào hiểu được hết. Người này một ý, người kia một ý đã góp nên sự dày dạn trong việc nghiên cứu Kinh Dịch cho đến ngày hôm nay. Ngày nay, các học giả không còn tìm cách nghiên cứu Kinh Dịch như các tiền nhân nữa, mà có rất nhiều khuynh hướng và những phương pháp nghiên cứu Kinh Dịch khác nhau. Bài viết này xin nêu một cách rất sơ lược về một số phương pháp nghiên cứu Kinh Dịch như dưới đây.
Thứ nhất, Kinh Dịch được hiểu bằng 2 quan điểm chủ yếu là: Kinh Dịch là sách bói toàn, và Kinh Dịch là sách triết lý. Theo Trương Trí Chiết trong cuốn Đạo giáo Văn hóa Tự điển thì Kinh Dịch chỉ đơn thuần là một cuốn sách bói toán. Trương Thiện văn trong phần bạt của Tự điển Chu Dịch cũng cho rằng: “Chu Dịch nguồn gốc là Tượng số, rồi phát triển thành nghĩa lý”, nhưng ông lại nhấn mạnh một điều là Chu Dịch được sử dụng nhiều trong lĩnh vực bói toán, nhưng thực chất trong nó chứa đựng ý nghĩa triết học sâu sắc. Cũng chính vì trong 2 sách kinh điển là Tả truyện và Quốc ngữ đều nói rằng Chu Dịch trong thời Xuân Thu là sách rất tốt dùng trong việc bói toán. Chính vì thế mà Chu Dịch vốn được coi là sách bói toán, phần nghĩa lý chỉ là phụ, và có thể là do người đời sau thêm vào. Tuy nhiên, các học giả khác lại tán thành với quan điểm rằng, Chu Dịch vốn là sách bói toán, nhưng thâm thúy hơn là ý nghĩa của nó, có hiểu được hết những triết lý sâu xa đó thì mới là tiếp cận được với Kinh Dịch. Lại có quan điểm cho rằng, Kinh Dịch vừa là sách bói vừa có ý nghĩa triết học, người lại cho rằng Kinh Dịch là căn bản của học thiết Đại Đồng, người lại cho rằng đây chỉ là một tập hợp các câu châm ngôn, thành ngữ… Như thế là ngay trong cách quan sát thôi đã có rất nhiều cách, mỗi người có những luận điểm riêng, và điều đó góp phần quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của Kinh Dịch.
Ở phương Tây cũng có rất nhiều cách nghiên cứu về Kinh Dịch. Vào năm 1753, nhà triết học – toán học Leibnitz đã lần đầu nhắc đến Kinh Dịch, nhưng với tư cách của một thuật toán. Ông cho rằng, đó chỉ là một hệ thống nhị thức (âm – dương) rất phân minh rõ ràng. Ông hiểu như vậy cũng không phải là quá khó lý giải. Trên lập trường của một nhà toán học, những ẩn số là điều cần phải chứng minh, và trên một phương diện, Kinh Dịch chứa nhiều ẩn số liên quan đến vấn đề toán học. Mặt khác, Leibnitz lại là người ứng dụng rất nhiều nguyên lý về nhị thức, do đó, âm và dương trong Kinh Dịch phần nào tái tạo trong đầu ông một ý niệm về nhị thức, và từ đó cho rằng Kinh Dịch là sách toán học. Trong khi ông vừa đề cập đến quan điểm đó thì nhà nghiên cứu Shchutski lại hoàn toàn bác bỏ quan điểm này, và cho rằng nó là thiển cận. Theo ông, trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa , vấn đề logic hình thức chỉ được bàn đến một cách có hệ thống sau khi có sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ, và sau khi đã có nhiều bản dịch từ các tác phẩm logic của Ấn Độ.
Quan điểm khác trong cách nghiên cứu Kinh Dịch của phương Tây đó là quan điểm của I.P.Schumacher, cho rằng Kinh Dịch chứa đựng trong bản thân nó lịch sử của dân tộc Trung Quốc. Sau đó, đã có rất nhiều người phiên dịch Kinh Dịch sang các thứ tiếng, bởi ai cũng muốn tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Trung Quốc, Schumacher lại nói như vậy thì sự thu hút của nó lại càng lớn hơn. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị bài bác rất nặng nề, trong đó có Forke là người chỉ trích nhiều nhất, tuy nhiên, nó đã được phục sinh trong thời hiện đại, cho rằng nó như một tư liệu lịch sử, nhưng không chính thức. Song song với các kinh điển lịch sử như Xuân Thu, Sử Ký, Hán Thư, Kinh Dịch cũng phụ họa vào vấn đề nghiên cứu lịch sử.
Một quan điểm cách thì cho rằng Kinh Dịch là sự trình bày một vũ trụ luận theo âm và dương, nó kết nối chặt chẽ với với việc tôn thờ sinh thực khí của người Trung Quốc cổ đại. Việc tôn thờ sinh thực khí không hoàn toàn chỉ có ở thời cổ đại Trung Quốc, nhưng theo khái niệm âm dương, cộng với hình ảnh trong Thái cực đồ, thì nó thể hiện rất rõ ràng sự hòa quện, gắn kết của hai yếu tố âm và dương, như thể người nam và người nữ gắn kết với nhau và duy trì nòi giống đến muôn đời, cũng như sự trường tồn bất hủ của Kinh Dịch.
Trong các cách nghiên cứu Kinh Dịch của người phương Đông, nổi bật nhất là cách nghiên cứu theo phương pháp huấn hỗ học, bằng chứng là có rất nhiều sách mang tính chất chú, sớ, tiên của các học giả. Cổ điển như thời Khổng Tử, ông viết Hệ từ truyện cũng một phần không nằm ngoài phương pháp huấn hỗ. Sau này có Trình Tử, Chu Tử nối tiếp cách nghiên cứu đó, để trở thành một mảng nghiên cứu Lý học rất sâu xa của Nho gia. Về quan điểm, đại thể cũng cho rằng Kinh Dịch vừa mang tính bói toán, vừa mang tính triết học, do đó, Kinh Dịch còn tham gia trong vai trò là một sách thuyết giảng đạo đức nhân nghĩa nữa. Và mở rộng sâu xa hơn, Kinh Dịch là thứ rất uyên áo, nó bao quát hết thảy mọi sự vật, mọi nguyên lý và trở thành kinh điển bất hủ. Còn các nghiên cứu của các nhà Dịch học hiện đại thì khá ôn hòa, không nghiêng về quan điểm nào quá đáng. Như các nhà nghiên cứu của Trung Quốc như Trương Thiện Văn, Hoàng Thọ Kỳ, các ông cho rằng phái Tượng số học (coi Kinh Dịch là sách bói) và phái Nghĩa lý học (coi Kinh Dịch là sách triết lý) đều có chỗ hợp lý và có thể dung hòa, bổ sung cho nhau. Đây cũng chính là quan điểm mà Schutskii đã từng đề cập.
Tóm lại, nghiên cứu Kinh Dịch là việc hết sự phức tạp, đòi hỏi một vốn kiến thức sâu rộng, bao quát mới có khả năng đi vào tìm hiểu. Trên thế giới có rất nhiều phương pháp nghiên cứu Kinh Dịch, nhưng suy cho cùng đều nhằm mục đích hiểu sâu hơn về kinh điển này. Cũng vì tính khó hiểu thực tại của nó nên Kinh Dịch mãi sẽ là chủ đề được nhắc tới, và giới nghiên cứu Kinh Dịch sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu, để chúng ta có thể hiểu hơn nữa những điều người xưa nói, để kinh điển thêm đi vào lòng người.
[1]Chu Dịch nằm trong hệ thống Tam Dịch gồm: Liên Sơn, Quy Tàng, Chu Dịch. Do hai bộ kinh kia đã thất lạc nên chỉ còn lại chu dịch, do đó, Kinh Dịch chỉ còn lại Chu Dịch, và nói đến Kinh Dịch chính là nói đến Chu Dịch.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét