Hòa Thân nịnh vua Càn Long qua thư pháp, thơ phú như thế nào?
Blog người hiếu cổ - Hòa Thân là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn vào triều đại Càn Long nhà Thanh (Trung Quốc). Ông nổi tiếng là một tham quan bậc nhất với gia tài kếch xù mà dân gian đã phải thốt lên rằng: “"Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có". Tuy nhiên, ông thành công nhờ sự sủng ái của vua Càn Long là vì đâu? Vì ông là người cực kỳ có tài và khéo lấy lòng nhà vua. Hòa Thân văn thơ, chữ nghĩa, võ thuật, chính trị đều rất mực tinh thông, chỉ tiếc rằng sa vào tham ô nên hỏng mất thanh danh. Dưới đây xin dẫn thêm về thành tựu về thư pháp, thơ phú của Hòa Thân để thấy được rằng, trong từng lĩnh vực mà ông phấn đấu đều nhằm mục đích lấy lòng nhà vua.
Các tác phẩm thư pháp của Hòa Thân được giới phê bình thư pháp các đời đánh giá là: “Thư phẩm và nhân phẩm là một chỉnh thể như là xương và thịt vậy. Nhân phẩm cao hơn thư phẩm, vì thế mới nói rằng Hòa Thân hỏng chữ là do nhân phẩm con người vậy”. Thơ ca của ông được đánh giá là tinh mĩ, nhiều bài cảm động, nhưng nhiều hơn là thơ xướng họa với vua Càn Long. Thành tựu về thư pháp, thơ văn của Hòa Thân rất cao, chữ của ông với chữ của vua Càn Long tựa như đạt đến mức “thật giả lẫn lộn”. Thực ra, Hòa Thân là người cực kỳ tài hoa, thông minh hơn người, ông lại cực tinh thông quyền thuật, nói thông 4 thứ tiếng (Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng), lại giỏi chiếm lĩnh lòng người khác nên rất được hoàng thượng sủng ái. Chính vì được sủng ái hết mực, quyền cao chức trọng nên trở nên tham lam cuồng vọng.
Vua Càn Long vô cùng yêu thích thư pháp (Đọc thêm bài này), Hòa Thân biết vậy nên đã rất dụng công mô phỏng thư pháp của Càn Long, chữ của Hòa Thân viết đẹp đến mức không khác ngự bút của Càn Long là mấy. Vì vậy, say này có một số bức đề ngự bút ở cung điện đều được giao cho Hòa Thân viết thay. Ví dụ, hiện nay tại cung Trùng Hoa tại khu di tích Cố Cung (Trung Quốc) có một bức bình phong đề thơ do chính tay vua Càn Long ngự bút, và tại cung Sùng Kính có một bức biển đề thơ ngự chế do Hòa Thân viết thay Càn Long.
Hòa Thân coi vua như cha, ông và vua Càn Long rất hay họa thơ. Càn Long lại là người cả đời thích làm thơ, vì thế Hòa Thân nắm được tâm lý, cũng khổ học để đạt tới độ tinh mĩ trong phong cách, câu cú và sử dụng điển cố. Trước mặt Càn Long, Hòa Thân biểu hiện là một người vô cùng yêu thích thơ văn, và tất cả các bài thơ của ông đều hợp với quan điểm thẩm mĩ của nhà vua. Rất nhiều khi Càn Long không muốn tự mình làm thơ, bèn lệnh cho Hòa Thân ứng khẩu tức cảnh làm thơ, và lần nào cũng thu về sự hài lòng đối với vị ái khanh này. Trong tập thơ “Gia Lạc đường thi tập” 嘉樂堂詩集 của Hòa Thân có chép rất nhiều thơ do vua Càn Long hạ lệnh làm. Ngoài những bài thơ ngự lệnh làm ra thì những bài thơ khác trong tập thơ cũng rất công phu, có bài rất cảm động lòng người.
Dưới đây là hình ảnh một số bức thư pháp tiêu biểu của Hòa Thân:Thánh ưng gia hựu
|
0 nhận xét :
Đăng nhận xét