Được thỏi mực cổ tản mạn chuyện duyên mực.
Blog người hiếu cổ - Mực Tàu là một trong bốn dụng cụ không thể thiếu trong thư phòng thời xưa, nhất là trong lĩnh vực thư họa (văn phòng tứ bảo), trong đó mực và bút là quan trọng bậc nhất. Mực cũng có rất nhiều loại, hiện nay mực được bán dưới dạng đóng chai pha sẵn để thuận tiện hơn khi sử dụng, ngoài ra ta có thể dùng dạng mực thỏi theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, đối với những người chơi thư pháp và đồ cổ, mực không chỉ đơn thuần dùng để mài ra viết, mà còn là để thưởng thức những tinh hoa trong công nghệ làm mực và những họa tiết trang trí trên chính thỏi mực đó. Mực cổ (cổ mặc, lão mặc) chính là món đồ thỏa mãn những điều đó.
Sưu tầm mực cổ là thú vui bắt nguồn từ sự khắt khe trong việc chọn mực để thể hiện các tác phẩm thư họa. Như nhà thư họa nổi tiếng Hoàng Tân Hồng 黄宾虹, ông rất khó tính trong việc chọn mực, nguyên nhân vì mực thời Dân Quốc của Trung Quốc chất lượng kém. Ông đã thưa với cha mình và xin mở một xưởng chế tạo mực. Thư họa gia Lý Khả Nhiễm 李可染 cũng rất đau đầu trong việc chọn mực tốt, cuối cùng ông phải dùng chính những tác phẩm tâm đắc của mình để đổi lấy những phần mực còn sót lại từ thời trung kỳ nhà Thanh để sử dụng. Đó là hai ví dụ thể hiện rất rõ việc chọn mực tốt là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, càng ngày nhu cầu sư tầm mực cổ càng tăng lên, kéo theo đó là giá trị của các loại mực cổ cũng không ngừng tăng.Lấy ví dụ như thỏi mực “Bách long đồ” của Tử mặc hiên thời Minh明代紫墨轩项德胜精制墨 百龙图, hiện nay nó có giá lên tới 1.000 NDT (Khoảng 3 triệu VND) [1] , hay như thỏi mực “Ma Cô hiến thọ đồ mặc” của Tử mặc hiên紫墨轩精制--麻姑献寿图墨có giá lên tới 3.400 NDT (Khoảng 10 triệu 2 trăm ngàn VND)[2].v.v…
Về mực cổ, có câu “Đường Tống mặc tuyệt thế, Minh đại mặc trân hãn” 唐宋墨绝世,明代墨珍罕 (mực thời Đường Tống là tuyệt thế, mà mực thời Minh thật là quý hiếm), đây có thể coi là câu cửa miệng của những người yêu chuộng mực cổ, và phần nào thể hiện được phẩm chất mực của các thời đại trên. Mực lại có nhiều loại khác nhau thích hợp sử dụng cho từng mục đích khác nhau, một trong những loại thịnh hành thời cổ đó là “tùng yên mặc” (mực làm từ than cây tùng), loại mực này đã được nhiều thư gia đề cập đến, ví dụ Vệ Phu Nhân trong tác phẩm “huy hào đồ” đã nói: “Mực này lấy dùng than của cây tùng chúa trên núi Lư Sơn trộn với keo hươu, sau 10 năm cứng như đá thì mới chế tạo mực”其墨取庐山主松烟,代群之鹿胶,十年以上强如石者为之. Như vậy là công tác chế tạo mực thời cổ rất phức tạp và cần nhiều thời gian. Nhưng công bỏ ra càng nhiều thì chất lượng thu về lại càng cao, vì thế mực thời cổ không chỉ đơn thuần dùng để viết mà còn mang nặng tính nghệ thuật.
Chơi mực cổ cần phải có “duyên mực”, tương tự như duyên trong công cuộc sưu tập đồ cổ. Đôi khi dụng công rất nhiều, theo đuổi bao lâu ta cũng không có được thỏi mực ưng ý; đôi khi chỉ một sự vô tình, ta lại có được thỏi mực hết sức quý giá. Tôi cũng rất tình cờ vừa mới mua được một thỏi mực của Tử mặc hiên, nhân tiện đưa ra một số hình ảnh để bạn đọc cùng tham khảo:
Dưới đây là một số hình ảnh chi tiết về thỏi mực "Thường Nga bôn nguyệt"Tên mực: Tử mặc hiên “Thường Nga bôn nguyệt” tinh chế mặcNiên đại: Năm Quý Sửu thời nhà Minh (Trung Quốc), không ghi niên hiệu nên không định được cụ thể năm nào, nhưng nhiều khả năng là năm 1613.Kích thước: Dài x rộng = 173x58mmLoại mực: Tùng yên mặcMô tả: Mặt sau khắc 4 chữ “Thường Nga bôn nguyệt” 嫦娥奔月 (Hằng Nga trốn khỏi cung trăng), lạc khoản ghi “Quý Sửu niên nhị nguyệt, Nghĩa Phương tả”, ấn chương chữ “Dương” 楊; Mặt trước chạm nổi hình Hằng Nga trốn khỏi cung trăng.
Blog người hiếu cổ viết mấy dòng tản mạn này vừa là để trao đổi về thỏi mực hữu duyên được sở hữu, cũng là để khơi mào với giới thư pháp tại Việt Nam về thú chơi cổ mặc, vừa xem nó như một đối tượng của thú chơi đồ cổ, vừa thỏa mãn niềm đam mê thư họa. Những bài viết phân tích kỹ hơn về Cổ mặc và mặc duyên xin dành cho bài viết sau.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét