Bản đồ toàn bộ địa dư các tỉnh trực thuộc triều đình (Thanh)

Nguyễn Quang Duy - Nhân việc liên quan đến bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ", tôi vào Bảo tàng Lịch sử Việt Nam gắng chụp lời dẫn rồi gõ lại chữ Hán. Được sự giúp đỡ của tiên sinh Bắc Hưng nhân và tiên sinh Vân Trai, tôi tạm hoàn thành bản dịch lời dẫn của tấm bản đồ, chí ít để có được hình dung về ý kiến của giáo sỹ Pháp đối với quá trình tạo bản đồ dưới thời Thanh.
Ảnh: Internet
Nguyên văn: 
   《地域論》謂:“蕭何得秦之圖籍,漢人乃有括地,輿地諸雜圖。然不設分率又不考正準望。或稱外荒迂誕之言,不合事實”。
觀是則古時亦有地圖,而不能度勢審形,歷歷不爽也。後世製圖者,代不之人,而經緯不明,未免失毫謬里。然則,欲知大地精微,非通天文,推算,三隅量等學,不可。
 溯自中國聲威訖於西海,天主教士利瑪竇,湯若望,南懷仁諸公遠涉重洋來華傳道。康熙四十七年戊子,聖祖仁皇帝簡派教士白晉,雷孝思,杜德美等製萬里城圖,越一年而工竣。上喜,復下綸音着潘如,雷孝思,杜德美,麥大​​成畫蒙古、滿洲暨直隸,山東二省圖。
 五十年辛卯,上命教士遍行十三省量地造圖。麥大成,湯尚賢往陝西、山西、江西、廣東、廣西諸省;馮秉正,德瑪諾往河南、浙江、福建、江南諸省;費隱和潘如往雲南、四川、貴州、湖廣諸省。四閱星霜,規模始定。諸教士共集京師,揮毫描繪,以二載告成,乃以十五省全圖奏呈。仰承聖覽,懋賞特隆。自是,中西人士考求中夏輿圖,大抵襲前教士原稿。
 予不揣固陋,摹寫此幅,非敢謂粉本獨工,駕於前人之上。惟數百年間,各省郡邑疆土稍更。故將缺者補之,誤者正之,務使累黍不差,暸如指掌。其沿海各口均倣行舟圖增入。自問掛一漏萬,不足以供法眼,然有知必告,亦與人同, 善意也。
 光緒甲辰春,佘山天文臺主辦蔡尚質識。
  Phiên âm:
“Địa vực luận” vị: “Tiêu Hà đắc Tần chi đồ tịch, Hán nhân nãi hữu Quát địa, Dư địa chư tạp đồ. Nhiên bất thiết Phân suất (1), hựu bất khảo chính Chuẩn vọng (2). Hoặc xưng ngoại hoang vu đản chi ngôn, bất hợp sự thực.”
 Quan thị tắc cổ thời diệc hữu địa đồ, nhi bất năng đạc thế thẩm hình, lịch lịch bất sảng dã. Hậu thế chế đồ giả, đại bất chi nhân, nhi kinh vĩ bất minh, vị miễn thất hào mậu lý. Nhiên tắc, dục tri đại địa tinh vi, phi thông thiên văn, suy toán, tam ngung lượng đẳng học, bất khả.
 Tố tự Trung Quốc thanh uy hất ư Tây hải, Thiên chúa giáo sĩ Lợi Mã Đậu, Thang Nhược Vọng, Nam Hoài Nhân chư công viễn thiệp trùng dương lai Hoa truyền đạo. Khang Hy tứ thập thất niên Mậu Tý, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế giản phái giáo sĩ Bạch Tấn, Lôi Hiếu Tư, Đỗ Đức Mỹ đẳng chế “Vạn lý thành đồ”, việt nhất niên nhi công thuyên. Thượng hỷ, phục hạ luân âm trứ Phan Như, Lôi Hiếu Tư, Đỗ Đức Mỹ, Mạch Đại Thành họa Mông Cổ, Mãn Châu ký Trực Lệ, Sơn Đông nhị tỉnh đồ.
 Ngũ thập niên Tân Mão, Thượng mệnh giáo sĩ biến hành thập tam tỉnh, lượng địa tạo đồ. Mạch Đại Thành, Thang Thượng Hiền vãng Thiểm Tây, Sơn Tây, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây chư tỉnh; Phùng Bỉnh Chính, Đức Mã Nặc vãng Hà Nam, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Nam chư tỉnh; Phí Ẩn hòa Phan Như vãng Vân Nam , Tứ Xuyên, Quý Châu, Hồ Quảng chư tỉnh. Tứ duyệt tinh sương, qui mô thủy định. Chư giáo sĩ cộng tập kinh sư huy hào miêu hội, dĩ nhị tải cáo thành, nãi dĩ thập ngũ tỉnh toàn đồ tấu trình. Ngưỡng thừa Thánh lãm, mậu thưởng đặc long. Tự thị Trung Tây nhân sĩ khảo cầu Trung Hạ dư đồ, đại để tập tiền giáo sĩ nguyên cảo.
 Dư bất sủy cố lậu, mô tả thử bức, phi cảm vị phấn bản độc công, giá ư tiền nhân chi thượng. Duy sổ bách niên gian, các tỉnh, quận, ấp cương thổ sảo canh. Cố tương khuyết giả bổ chi, ngộ giả chính chi, vụ sử lũy thử bất sai, liêu như chỉ chưởng. Kỳ duyên hải các khẩu, quân phỏng hành chu đồ tăng nhập.
Tự vấn: quải nhất lậu vạn, bất túc dĩ cung pháp nhãn, nhiên hữu tri tất cáo, diệc dữ nhân đồng, thiện ý dã.
Quang Tự Giáp Thìn xuân, Xà Sơn Thiên văn đài Chủ biện Sái Thượng Chất chí.

Dịch nghĩa:
 “Địa vực luận" cho rằng: "Tiêu Hà thu được đồ tịch nhà Tần, người Hán mới có các loại tạp đồ Quát địa, Dư địa, nhưng không lập theo phép Phân suất, lại không khảo cứu, đính chính theo phép Chuẩn vọng. Có người bảo đó là chỉ là lời nhảm nhí, hoang đường, không đúng sự thực.”
Xem đấy, hẳn thời cổ cũng có bản đồ nhưng không thể đo địa thế, thẩm địa hình, từng điểm đều không rõ ràng vậy. Kẻ tạo bản đồ đời sau, thời nào cũng có, nhưng không tường kinh độ, vĩ độ thì không khỏi sai một ly đi một dặm. Vậy thì, muốn biết được sự tinh vi của mặt đất, mà không thông các môn thiên văn, tính toán, lường tính ba góc thì không thể được.
Ngược về lúc oai danh của Trung Quốc truyền đến bể Tây, giáo sĩ Thiên chúa là các ông Lợi Mã Đậu, Thang Nhược Vọng, Nam Hoài Nhân từ xa vượt trùng khơi đến Trung Hoa truyền đạo. Năm Mậu Tý, niên hiệu Khang Hi thứ 47 (1708), Thánh tổ Nhân Hoàng đế tuyển chọn và phái các giáo sĩ là Bạch Tấn, Lôi Hiếu Tư, Đỗ Đức Mỹ làm bức “Vạn lý thành đồ”, trải một năm thì hoàn thành. Bề trên lấy làm vui, lại xuống chiếu sai Phan Như, Lôi Hiếu Tư, Đỗ Đức Mỹ, Mạch Đại Thành vẽ bản đồ Mông Cổ, Mãn Châu và hai tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông.
      Năm Tân Mão, (niên hiệu Khang Hi) thứ 50 (1711), Bề trên lệnh giáo sĩ đi khắp mười ba tỉnh để đo đạc đất đai, chế tạo bản đồ. Mạch Đại Thành, Thang Thượng Hiền đi các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây; Phùng Bỉnh Chính, Đức Mã Nặc đi các tỉnh Hà Nam, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Nam; Phí Ẩn và Phan Như đi các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Hồ Quảng. Trải bốn năm trời, công việc mới định hình. Các giáo sĩ cùng tụ về kinh sư vung bút kẻ vẽ, qua hai năm hoàn thành, mới đem bản đồ toàn bộ 15 tỉnh tấu trình lên. Đội ơn ngự lãm, được khen thưởng rất nhiều. Từ ấy, nhân sĩ Trung Hoa và phương Tây khảo cứu dư đồ Trung Hạ, đại khái đều chiểu theo nguyên cảo của các giáo sĩ trước đây.
      Tôi không tự lượng sức mình nông cạn, tô vẽ bức này, nào dám cho rằng bản vẽ là công sức của riêng, vượt trên cả tiền nhân. Có điều trong vòng vài trăm năm, cương thổ của các tỉnh, quận, ấp hơi thay đổi, nên mới đem bồi đắp chỗ khiếm khuyết, chỉnh sửa chỗ nhầm lẫn, cốt khiến mảy may không sai lạc, sáng rõ như lòng bàn tay. Các cửa biển vùng duyên hải đều phỏng theo đường thuyền bè đi lại mà thêm vào.
Tự ngẫm: lo được một, sơ suất mười, chẳng bõ dâng lên mắt tuệ, nhưng biết được thì nói, cũng giống mọi người, ấy là thiện ý vậy.
Mùa xuân năm Giáp Thìn, niên hiệu Quang Tự (1904), Chủ biện Đài thiên văn Xà Sơn là Sái Thượng Chất ghi lại.

*Ghi chú:
 (1), (2)  Các phép vẽ bản đồ trong 6 phương pháp của Bùi Tú đời Tấn, gồm: Phân suất, Chuẩn vọng, Đạo lý, Cao hạ, Phương tà, Vu trực.

Dẫn từ bài viết của Nguyễn Quang Duy trên trang cá nhân:
http://blog.yahoo.com/_5QEPT42ZFIYL6X6SQDQQBVON7M/articles/1007754

0 nhận xét :

Đăng nhận xét