Thâm nho nhọ đít: Nỡ lòng để con cháu không có quần áo!

Blog người hiếu cổ - Thường được nghe chuyện tổ tiên luôn luôn muốn để lại công đức cho con cho cháu, có khi nào các cụ muốn con cháu chịu khổ cực? Tôi viết bài này không nhằm mục đích trả lời câu hỏi trên, mà để kể một câu chuyện.
Hôm nay, tình cờ tôi được xem 1 bức hoành phi với nội dung:
非衣遠裔 : PHI Y VIỄN DUỆ
Phi y viễn duệ
Chữ nghĩa thì không khó, nhưng để yên tâm hơn, tôi lục tra hết các từ điển, tự điển… nhưng không đem lại nhiều hiệu quả. Nôm Na thì:
Phi: nghĩa là “Không”; Y: nghĩa là “Áo”; Viễn: nghĩa là “Xa”; Duệ: nghĩa là “con cháu đời sau”
Dịch một cách thông thường sẽ là: Con cháu các đời sau không có áo!!!!!!!!
Vậy là sao? Hoành phi phải là những từ hay ý đẹp, hóc hiểm thâm thúy, đây sao lại đưa lời lẽ thô thiển? Sau một hồi nói chuyện thì mới hay cái này ở nhà thờ họ Bùi (không tiện nói cụ thể địa chỉ), soi lên thì thấy: “À… hóa ra các cụ… chơi chữ kiểu “Đông A”東阿 là tách từ chữ Trần陳 mà ra”. Như vậy, ý muốn nói đây là: Con cháu hậu duệ họ Bùi còn kéo dài mãi. Chữ “Bùi”裴 gồm chữ “Phi” trên và “Y” dưới, nên Bùi thì chơi chữ thành “Phi Y”, nó sẽ hay như kiểu “Đông A” nếu ý nghĩa của “Phi Y” không thô thiển đến thế.
Câu chuyện sẽ kết thúc nếu như không nói đến yếu tố người đề chữ (hoặc cho chữ). Trường hợp này ta hiểu dụng ý, nhưng ở một phương diện khác thì nó lại không hay, vậy người đề chữ (hoặc cho chữ) có vấn đề gì chăng?
1) Người đề chữ lạm dụng thủ pháp chơi chữ chiết tự mà không nhìn lại phản tác dụng của nó (hoặc có thể tôi chưa hiểu hết ý đồ tác giả)
2) Người đề chữ… chơi khăm (chơi xỏ) người xin chữ: Nhiều khả năng yếu tố này xảy ra!
Ta có thể cho rằng người cho chữ muốn chơi khăm gia chủ nên mượn việc chơi chữ chiết tự để ngầm hạ nhục gia chủ.
Chúng ta ai cũng biết câu thành ngữ “THÂM NHO NHỌ ĐÍT”, câu này hoàn toàn không nói về những người học chữ Nho là xấu tính, mà để chỉ một bộ phận những người học chữ Nho nhưng không đến nơi đến chốn, lại có những ý đồ không lành mạnh, làm nhục người khác bằng chữ nghĩa… Thế nên sau này “Thâm nho” không đơn thuần chỉ những bậc đức cao vọng trọng, am hiểu chữ thánh hiền, mà còn nói lên mặt trái của việc học chữ Nho nữa.
Tôi cùng với một số anh em đồng nghiệp cũng thi thoảng được người ta xin chữ Nho về treo, vì thế, gặp những trường hợp như thế này khiến nảy sinh nhiều xúc cảm. Ngẫu hứng kể lại câu chuyện để trao đổi cùng mọi người,

0 nhận xét :

Đăng nhận xét