Hoành phi ngự bút tại khu di tích Cố Cung (Trung Quốc)
Blog người hiếu cổ - Hoàng đế Trung Hoa đa phần là những người được đào tạo rất mực bài bản về tất cả mọi lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực thư pháp cũng là một trong những niềm đam mê của các vị vua. Qua lịch sử thư pháp Trung Quốc, ta biết đến rất nhiều tên tuổi thư pháp gia hoàng đế như Tống Huy Tông, Đường Thái Tông, Càn Long… Bút tích của những vị vua yêu thư pháp còn để lại khá nhiều. Bài viết dưới đây, xin giới thiệu một số bức hoành phi ngự bút của các hoàng đế nhà Thanh tại khu di tích Cố Cung, đồng thời giải thích ý nghĩa để bạn đọc tiện theo dõi thưởng thức thư pháp và ý nghĩa của những bức hoành phi đó. Chúng ta sẽ đi lần lượt các theo các điện như sau:
1) Điện Thái Hòa太和殿
Hoành phi: Kiến cực tuy du建极绥猷
Bức hoành phi này được treo ở chính giữa điện Thái Hòa – trung tâm của Tử Cấm Thành, là ngự bút của vua Càn Long. “Kiến cực tuy du” là nói đến bổn phận của bậc thiên tử: Trên phải thể theo đạo trời, dưới phải thuận theo ý dân, dùng phép “trung chính” để trị quốc.
“Cực” tức là phần cao nhất của xà nhà, tức là cái tột cùng, “kiến cực” tức là phải xây dựng được sách lược trị quốc đúng đắn theo phép trung chính.
“Tuy” tức là thuận theo, “du” tức là đạo, “tuy du” tức là thuận theo đạo để trị quốc.
Bức hoành phi này treo ở điện Thái Hoa là để nói rõ lý tưởng trị quốc của hoàng đế các đời, đồng thời là nơi ngày ngày hoàng đế ngước nhìn nên còn là cái để thiên tử tự răn mình.
2) Điện Trung Hòa 中和殿
Hoành phi: Doãn chấp quyết trung
Bức hoành phi “Doãn chấp quyết trung cũng là ngự bút của vua Càn Long. Vua Càn Long rất yêu thích thư pháp, vì thế những tác phẩm ngự bút của ngài hiện còn rất nhiểu, đặc biệt là ở các di tích tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Câu “Doãn chấp quyết trung” được lấy từ “Kinh Thư”: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung”. Đây là lời vua Thuấn (thời thượng cổ Trung Quốc) răn dạy Đại Vũ trước khi truyền ngôi cho Đại Vũ, rằng nhân tâm là rất nguy hiểm khó đoán, còn đạo tâm thì lại vi diệu quá thật khó mà hiểu tường tận được, chỉ có tự thân mình phải thành kính, phải nhất tâm mà thi hành cái đạo trung chính, chì mới có thể trị lý quốc gia được.
3) Điện Bảo Hòa 保和殿
Hoành phi: Hoàng kiến hữu cực 皇建有极
Bức hoành phi này cũng là ngự bút của vua Càn Long, nội dung khá đơn giản, mang tính chất cường điệu quyền uy của hoàng đế. Ý nói thiên tử chế định ra những chuẩn tắc cao nhất trung thiên hạ.
4) Cung Càn Thanh 乾清宫
Hoành phi: Chính đại quang minh 正大光明
Cung Càn Thanh nằm trong tổ hợp 3 điện lớn: Càn Thanh, Khôn Ninh và Giao Tất. Bức hoành phi “Chính đại quang minh” là ngự bút của vua Thuận Trị. “Càn” tức là trời, “Khôn” tức là đất, trời đất giao hòa thì gọi là “Giao Tất”. Vì thế mà cung Càn Thanh là nơi ở hàng ngày và xử lý chính sự của hoàng đế. “Càn” biểu thị cho trời đất to lớn (Chính đại), mặt trăng mặt trời rực rỡ (quang minh) ấy là tượng trưng cho quyền lực tối cao, có thể thi hành đạo của trời đất, nhật nguyệt. Vì thế bức hoành viết 4 chữ “Chính đại quang minh”.
5) Điện Giao Tất 交泰殿
Hoành phi: Vô vi 无为
Hoành phi này do vua Khang Hy ngự bút. “Vô vi” là tư tưởng của Đạo gia, Lão Tử trong sách “Đạo đức kinh” có nói: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi” (Đạo thường không làm gì mà không gì là không làm), lại nói “Thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo” (Bậc thánh nhân thì làm những việc vô vi, mà thi hành sự giáo hóa không dùng lời). Vua Khang Ky đề 2 chữ “Vô vi” là để răn dạy cho các hoàng đế đời sau cần phải thuận theo đạo trời mà thương xót dân chúng.
6) Điện Dưỡng Tâm 养心殿
Hoành phi: Trung chính nhân hòa 中正仁和
Bức hoành phi này là ngự bút của vua Ung Chính, nói lên rằng: Hoàng đế cần phải luôn luôn chính trực thi hành đạo trung dung, nhân ái hài hòa, là yêu cầu tất yếu đối với việc tu thân của đế vương.
7) Gác Tây Noãn 西暖阁
Hoành phi: Cần chính thân hiền 勤政亲贤
Hoành phi này cũng là ngự bút của vua Ung Chính. Vua Ung Chính là vị vua hết mực gắng sức trong công việc, làm hết chức trách thiên tử, thương dân như con, vì thế tại gác Tây Noãn, ngài có đặt bức hoành phi “Cần chính thân hiền” là để thể hiện yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân trong suốt đời làm vua của mình, đồng thời để răn dạy cả những thế hệ kế tiếp.
“Cần chính thân hiền” nghĩa là: Chăm lo việc chính sự, gần gũi với người hiền tài.
8) Tam Hy Đường tại điện Dưỡng tâm 三希堂
Hoành phi: Tam hy đường 三希堂
Tam hy đường là một căn phòng nhỏ nằm bên cạnh gác Tây Noãn của điện Dưỡng Tâm, là nơi vua Càn Long thường xuyên lui tới để ngắm nhìn 3 tác phẩm thư pháp mà ngài yêu mến, vì thế ngài gọi là “tam hy” (Hy: mong hướng tới; vua Càn Long rất yêu thư pháp nên luôn muốn mình có thể đạt được trình độ của 3 tác phẩm yêu thích đó). Ba tác phẩm vua Càn Long yêu thích đó là: “Khoái tuyết thời tình thiếp” của Vương Hi Chi; “Trung thu thiếp” của Vương Hiến Chi; “Bá Viễn thiếp” của Vương Tuân. Ba tác phẩm này được coi là bảo bối của ngài. Ngoài ra, “tam hy” còn bao hàm cả ý tứ “Thánh hy thiên, hiền hy thánh, sĩ hy hiền” của Chu Đôn Di (bậc thánh thì mong tu được đức của trời, bậc hiền thì mong tu được đức bậc thánh, bậc sĩ thì mong tu được đức của bậc hiền). Ý tứ đó thể hiện sự khích lệ bản thân, không ngừng phấn đấu, đề cao tinh thần tu thân của vua Càn Long.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét